Friday, April 1, 2011

Chân Phương : Xem tranh Phan Nguyên















Chân Phương














Cendre Solaire
(Thái Dương Tàn Lụi)



















Lần đầu tôi đến Savigny le Temple, chuyến tầu ngoại ô chạy trễ một tiếng. Người bạn đón chờ tại bến. Chúng tôi lên xe nhỏ về ngôi nhà ngoại ô tọa lạc giữa khu vườn yên ả. Phòng ăn phòng khách bày biện thoáng và đẹp mắt, trên tường treo nhiều bức trừu tượng khá lớn. Bên cạnh là chái hiên lồng kính ăn liền với khoảng sân sau. Chủ khách ra đây chuyện trò, vừa nhâm nhi cốc rượu và ngắm mấy chậu bonsai lạ mắt và cỏ cây mùa hè xanh mát ngoài vườn. Tôi nghĩ bụng, đúng là một khung cảnh thích hợp để sáng tác và trầm tư. Ngoài thú hội họa anh bạn nghệ sĩ này chắc phải là một tay say mê triết đạo và tư tưởng.

     Tôi đã không lầm. Họa sĩ Phan Nguyên trước đây từng là sinh viên ban Triết tại Văn Khoa Sài Gòn trước khi sang Pháp vào những năm đầu thập niên 70. Anh tự học vẽ từ hồi còn nhỏ, vọc sơn và vẽ sơn dầu trên vải từ 79 - 80. Vào giai đoạn đầu, sáng tác của anh phần nào phản ảnh thế giới bên ngoài, thí dụ loạt tranh Bốn Mùa trong đó sắc màu đường nét cố chụp bắt các xúc cảm do biến đổi mùa màng, thời tiết gây nên.
Mấy năm gần đây chủ yếu anh vẽ tranh trừu tượng với loại sơn acrylic trên vải, gỗ hoạc giấy.
Phần lớn tranh khổ lớn tôi được xem tại nhà anh hôm ấy mang nặng tính thể nghiệm về bố cục; Họa sĩ có vẻ đang tìm tòi một không gian hội họa riêng, cố gắng tách mình khỏi các bậc thầy trừu tượng hiện đại.
Bút pháp Phan Nguyên làm tôi liên tưởng đến Pollock và Mathieu, hai danh họa của chiêu pháp action-painting. Cây cọ đầy sinh lực của anh có vẻ bị giằng xé giữa hai cực của Tĩnh và Động, đang ẩn mình đâu đó trong cõi vô hình bất ngờ, phóng ra theo một vũ điệu mãnh liệt, vẫy vùng trong khoảnh khắc xuất thần để sống đến mức tột cùng của nó giữa phù du và hằng cữu.
Đa số tranh lớn, tranh nhỏ của anh là vết tích từ vũ điệu của cây cọ ấy, một vũ điệu sảng khoái vô tâm rất gần nghệ thuật bắn cung, múa kiếm của thiền môn.Trong một bức thư, họa sĩ thổ lộ họa pháp của anh như sau:

" Đầu óc thanh thản, tứ chi mềm mại, tâm thần thiền định trống vắng.
Một màu vải trắng tinh như bông giúp ta lắng nghe mọi rung động, cảm xúc đến từ cõi sâu kín.
Âm vang nội tâm được phóng vào vũ trụ vô tận, dội trở lại những tín hiệu mơ hồ nào đấy, thấm vào lòng, chuyển qua tim, lan qua từng thớ thịt, bật ra thành nét vẽ.
Người đời thường gọi là xung lực. Mức độ thiền định càng sâu thì xung lực càng mạnh, nó chỉ đến trong phút chốc để đòi chuyển hóa thành màu sắc, hiện hình lên khung vải và tức thì, phải bắt lấy.
Đôi tay chỉ là phương tiện, sức manh nội tâm kia mới chính là đôi mắt hướng dẫn mọi động tác sáng tạo trung thực, chân tình, tự do, là gạch nối giữa hữu hình và vô hình, là nền tảng đưa không gian quyện lấy thời gian, đẩy vô thức trở thành nhận thức mà tác phẩm là tụ điểm.
Sự kết tinh đó là giây phút hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ."
      ( Trích thư riêng ngày 12-9-1993)

Nhưng cây cọ của họa sĩ  Phan Nguyên không chỉ thể hiện xung lực nội tâm mà cón đối thoại, trầm tư trước vũ trụ. Những lúc ấy vũ điệu cây cọ chậm lại thu mình vào chiều sâu và mặt trái của mọi biến động biến thành độc thoại giữa mối ám ảnh về đất trời câm lặng. Tôi rất thích bức Thái Dương Tàn Lụi (Cendre Solaire) treo nơi phòng ăn với vầng mặt trời đang cháy rụi và đảo nghịch thành một lỗ đen vũ trụ. Bức tranh làm tôi nhớ lại bài thơ Fénix (Phượng Hoàng) của thi sĩ Tay Ban Nha José Angel Valente:

            Trú ngụ
            nơi những gì còn lại
            sau khi lửa cháy,
            tàn tích - cội rễ duy nhất
            từ đó tiếng hát có thể mọc lên

Phải chăng Phan Nguyên đã và đang sống trong biện chứng đông phương của Thái Cực với Lưỡng Nghi, của Âm Dương, của Tĩnh và Động những khi ngồi trước khung vải trắng?
Trong một số bức tranh thành công, họa sĩ đã đạt được tính hòa điệu giữa nền tranh tĩnh lặng, sâu lắng âm tính, che phủ dưới lớp sắc màu nhòa phai, nguội tắt, và vũ điệu của hội họa bừng cháy bên trên trong sát na sáng tạo như một tấu khúc hai bè với các nhạc khí trầm chơi contrepoint cho niềm say đắm nồng nhiệt của ghita với vĩ cầm.

Được biết phần lớn các bức tranh tôi được xem tại nhà họa sĩ đã được triển lãm vào hai tháng cuối năm 1993 tại Paris. Phòng tranh mang đề tài Fractus (Mảnh Vụn) đã thu hút được sự chú ý của giới thưởng ngoạn và bạn bè sành điệu. Xin chúc mừng họa sĩ Phan Nguyên và hẹn gặp lại anh mùa hè khác giữa những tìm tòi, sáng tác mới. 














 Chân Phương

 (nhà văn, nhà thơ) 
Bài đăng trên Hợp Lưu năm 1994




























Họa





                                                          Tặng Phan Nguyên





Trắng cắn đuôi đen
trò chơi ngũ sắc

khung hoặc nền
tròng mắt lênh đênh

tỉnh say
một mặt gương im

hỏa táng và phục sinh 
            cây cọ







                                                    Savigny le temple
                                                            20/08/95
                                                        Chân Phương