Friday, April 1, 2011

Dương Mạnh Trí: Xem tranh Phan Nguyên





















Rythme V13

























Xem tranh Phan Nguyên








Tranh Phan Nguyên trưng bầy tại Trung tâm văn hóa Pháp - Việt ở Paris gợi cho tôi một vài suy nghĩ .
Trước hết, theo tôi thưởng thức nghệ thuật là sự cảm nhận bằng cảm tính, ta không cần thiết hỏi "cái gì" hay "tại sao" mà nên hỏi "thế nào" nghĩa là mình cảm thấy thế nào? đẹp hay không đẹp? thích hay không thích? thế thôi . Xem tranh như thế, xem tranh trừu tượng lại càng như thế.
Lần này Phan Nguyên bầy một loạt tranh thuộc thể loại trừu tượng, có lẽ đó là những bức mà anh tâm đắc nhất.
Xem tranh anh, bỗng dưng tôi lại nhớ đến Quách Hy (1120-1190), một đại danh họa thời Tống. Trong Lâm Tuyền Cao Chí Tập, Họa sư viết về việc sáng tác và suy nghĩ về nghệ thuật của chính mình, đại ý: Khi ta vẽ tranh, phải trèo lên một lầu cao, rút thang lên, đóng cửa lại, đốt một lò hương trầm cho khói tỏa lên nghi ngút, bầy giấy mực ra trước mặt, tọa thiền vững chãi, vận khí thật sâu, hưởng hết cái hương thơm tinh túy của đất trời, lắng nghe từng âm thanh sâu lắng trong tâm linh, giao hòa cùng vũ trụ, giữ lại dồn nén, dâng lên, tuôn ra năm đầu ngón tay, cầm bút chấm mực, phóng lên giấy: đấy là Họa!
Thật là cao siêu huyền hoặc mà cũng rất thực.

Xem tranh Phan Nguyên, tôi thấy thấp thoáng trong vệt bút ào ạt, con tuấn mã biến ảo, phóng khoáng của thủ pháp phương Đông, đôi khi bị gò gẫm trong sợi giây cương của kỹ thuật. 
Tôi cũng không quan tâm đến tên gọi, khi chủ đề đã bị loại khỏi tranh thì tên gọi cũng không còn cần thiết nữa. Tôi để hồn lắng nghe trực tiếp những âm thanh mãnh liệt của sự im lặng, những rung động của hình và sắc, hay của hồn tác giả muốn gửi đến cho đời. Khi bắt được tín hiệu của đài phát sóng là lúc những rung cảm của nghệ sĩ truyền được đến cho ta, là khoảnh khắc giao thoa thú vị nhất.
Tôi cứ mường tượng tâm hồn ta giống như hồ nước mà nghệ sĩ là khách phương xa, bỗng một hôm nào, đến gieo xuống lòng hồ những viên ngọc quý kết tinh từ máu huyết của mình. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, lung linh huyền ảo biết bao.

Xem tranh Phan Nguyên tôi rất thích những cái ngẫu nhiên đôi khi chợp đến, thấp thoáng, e dè thật dễ thương nhưng rồi bị đè xuống bởi chất liệu. 
Lộc Tài Thị trong tập Giới Tử Viên Họa Truyện (1) có nói: Mục đích của việc học phương pháp là để làm việc như không có phương pháp. Đó là cách làm của bậc cao thủ.
Matisse vẽ như trẻ nhưng trẻ con không thể vẽ được như Matisse.
Những nét vẽ "như chơi" ấy là những nét vẽ của bậc thầy đã nắm vững quy luật mà dường như không biết quy luật.

Và điều để lại cho tôi nhiều suy nghĩ nhất trong tranh Phan Nguyên đó là bút pháp. Một điều được coi là cốt tử trong hội họa phương Đông, đó là "Cốt Pháp Dụng Bút" trong Lục Pháp Luận của Tạ Hách (2). Giải thích thì rất dài , ở đây ta có thể hiểu nôm na là phương pháp điều chỉnh "độ rung" của gân tay theo "tần số" của cảm xúc, và một ngàn rưởi năm sau khi Kandinsky  khởi xướng lên họa phái trừu tượng ở phương tây, người ta vẫn bàn về sự đồng nhất vốn có giữa hội hạo và âm nhạc. Nếu nhạc sĩ thể hiện xúc cảm bằng độ rung của bàn tay trên phiến đàn thì họa sĩ thể hiện điều đó trên mặt tranh. Đấy chính là bút pháp.










Dương Mạnh Trí ( họa sĩ)







***



(1)Tác phẩm giáo khoa tóm tắt quan điểm mỹ học của hội hạo Trung Quốc, xuất bản năm 1672 thời Khang Hy.
(2) Lục Pháp Luận của Tạ Hách: Khí vận sinh động, Cốt pháp dụng bút, Ứng vật tượng hình, Tùy loại phú thái, Kinh dinh vị trí, Truyền di mô tả.