Friday, March 25, 2011

Huỳnh Hữu Ủy: Mấy câu hỏi với họa sĩ Phan Nguyên (1994)

























*





Huỳnh Hữu Ủy :  Mấy câu hỏi với họa sĩ Phan Nguyên






- Xin anh cho biết một vài nét về tiểu sử?
Tôi sinh quán Hà Nội, di cư vào Nam năm 54 cùng gia đình, thuở nhỏ học trường Tây, lên đại học theo ban Triết, sang Pháp học sư phạm rồi dậy học. Có thời gian mở trường dạy Pháp văn và làm cố vấn một trung tâm huấn nghiệp tại Paris. Tự lập rất sớm, làm đủ thứ nghề để kiếm sống từ khi còn là sinh viên, và xuyên suốt những giai đoạn này là vẽ, mày mò tự học, là vọc sơn không ngừng.

- Như vậy anh vẽ tranh từ lúc nào?
Con đường đến với hội họa của tôi có phần gay go khổ cực hơn vì không được đào tạo ở trường lớp nào cả. Tự học là chính, thầy của tôi là những bạn bè họa sĩ tây và ta, là sách vở, viện bảo tàng, những cuộc triển lãm quốc tế hàng năm. Có điều tôi thích vẽ và mê tranh từ khi còn nhỏ, ngồi đâu vẽ đấy bạ gì vẽ nấy, đến khi sang Pháp tôi mới được thực sự tiếp cận với hội họa phương tây, được xem tranh các bậc thầy trên thế giới một cách có hệ thống. Đến khoảng những năm 80 tôi mới bắt đầu sáng tác.

- Anh theo đuổi hội họa như một nghề tay trái? anh có đủ thời gian để tập trung cho việc sáng tác hay không?
Nếu hiểu nghề tay phải là nghề kiếm sống, miếng cơm manh áo, thì hội họa là nghề tay trái, nhưng sinh hoạt này từ lâu đã tốn nhiều tim óc nhất của tôi. Hiện nay tôi đang chuyển sang tay phải đề có thể dành tất cả thời giờ cho hội họa và sống bằng những tác phẩm mình làm ra. Hơn nữa, có thời gian để làm tất cả những gì mình muốn rất khó, đặc biệt vẽ tranh lại càng khó hơn, phải rảnh rỗi vài ngày liền, tâm can phải thanh thản, bứt ra được những lo âu phiền toái hằng ngày trong cuộc sống, phải làm việc ở một nơi cố định. Nhưng mình vẫn phải làm vì vẽ là một nhu cầu như ăn, như ngủ, như hơi thở vậy thôi.

- Chắc anh cũng theo dõi các trường phái lớn trên thế giới, vậy tranh của anh chịu ảnh hưởng của trường phái nào?
Vâng, ở Paris tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn những giai đoạn phát triển của hội họa, từ Cổ Điển đến Hiện Đại, từ Dã Thú, Biểu Tượng, Ấn Tượng, Siêu Thực, Lập Thể, Trừu tượng và nhiều xu hướng khác hiện nay. Gần như một điều bắt buộc và cần thiết cho những ai muốn sáng tác. Nó giúp cho người họa sĩ biết mình đang đứng ở chỗ nào và đang đi về đâu. Tôi đã thử nhiều bút pháp, chịu nhiều ảnh hưởng ở mỗi lúc khác nhau, thử nghiệm nhiều lối vẽ. Hiện nay theo một số nhà phê bình, tranh của tôi thuộc trường phái Trừu Tượng Trữ Tình với chiêu pháp của nhóm Action Painting. Nói trữ tình là để phân biệt với xu hướng Trừu Tượng Hình Học của Mondrian. Nhưng sáng tác bao giờ cũng là kế thừa, tiếp nối những cái cũ, tìm tòi, cố gắng khai phá những cái mới và qua đó thể hiện bản chất của chính mình một cách tự do, nếu không thì chỉ là sao chép.

- Anh có cho rằng vẽ tranh trừu tượng dễ hơn tranh hiện thực hay không? và khi vẽ anh dựa trên nguồn cảm hứng nào?
Ở đây có hai vấn đề: Vẽ tranh trừu tượng "dễ" và nguồn cảm hứng khi sáng tác... Có thể nói chuyện hàng giờ nhưng tôi xin ngắn gọn như thế này: Vẽ kiểu gì thì vẽ, dễ hay không là do cái tạng của mỗi người. Vẽ tranh trừu tượng tưởng dễ mà không dễ, coi vậy mà không phải vậy, nhiều người nghĩ rằng cứ đổ sơn lên vải rồi bôi lung tung là có trừu tượng. Sự thực, tranh trừu tượng nó có cái nguyên lý của nó trong nhịp điệu, màu sắc, bố cục, nét vẽ v.v....Nó là thơ của không gian, là nhạc không lời, và cái chất thơ nhạc của không gian này cũng không phải đơn giản, dễ cảm nhận, nắm bắt được ngay. Những bậc thầy của phái Lập Thể khi xưa như Braque, Picasso cũng đã đứng trước ngưỡng cửa của Trừu Tượng nhưng phân vân không bước vào, có lẽ vì họ cho rằng, bỏ tất cả hình thể đi thì tranh không còn là tranh nữa. Nhưng hội họa cũng như âm nhạc có nhất thiết phải tượng hình hay không? Câu hỏi này đã được giải quyết từ lâu và tranh trừu tượng đã phát triển như một tất yếu lịch sử của hội họa gần trăm năm nay. Dĩ nhiên cũng phải có cặp mắt khá sành nghệ thuật mới phân biệt được tranh trừu tượng với những mảng màu đổ lên vải mà hồn tranh không có. Mỗi họa sĩ khi vẽ một bức tranh trừu tượng, như ném thêm một nhịp cầu để xem bên kia bờ hiện thực nó là cái gì? thế thôi! Tôi thấy vừa khó lại vừa nguy hiểm, vì không khéo anh có thể trở thành "dễ dãi chủ nghĩa" lúc nào không hay!

- Còn nguồn cảm hứng của anh khi sáng tác?

Giải thích thế nào ?... Thực ra, cảm hứng có thể đến từ nhiều phía, từ không gian ngoại cảnh tác động vào tâm hồn mình, từ những bức xúc nội tâm mà bật ra, từ trực cảm, từ tâm cảm, nhiều khi linh cảm được điều gì thì chụp bắt nó ngay, nó là quá trình đi từ vô thức đến nhận thức, từ độc thoại đến đối thoại. Khi xưa tôi vẽ những gì tôi nhìn thấy, bây giờ tôi vẽ những điều tôi cảm thấy. Khi ngồi trước giá vẽ, tôi không chuẩn bị một ý nghĩ nào cả ngoại trừ sơn cọ phải sẵn bên tầm tay và im lặng tuyệt đối. Khi một tín hiệu nào đó bất chợt rung động tâm can mình, thì màu gọi màu, nét nọ gọi nét kia, không biết đang làm gì nhưng cứ thế tranh nó kéo mình đi, như nói chuyện một mình, như đối thoại với tranh. Có thể kéo dài nhiều ngày và chỉ ngưng khi thực sự thỏa mãn hoặc biết mình không thể làm hơn được nữa. Được một bức tranh đẹp thì vui không tả xiết...
Nhưng ngẫm cho cùng, cái vẽ nó không nhất thiết nằm ở đề tài, ờ trường phái này nọ, hiện thực hay trừu tượng, hữu hình hay vô hình, nó cũng không nằm ở những chất liệu được sử dụng như sơn, vải, gỗ, giấy; tất cả chỉ là cái cớ, là phương tiện phục vụ cái tâm anh có hay không trong động tác vẽ mà thôi ! Được cái tâm ấy đã là hạnh phúc lắm rồi.

- Theo anh thế nào là một bức tranh đẹp?

Cái đẹp thường là một tình cảm chủ quan, tự giác và tự do của mỗi người, nó vô cùng. Nhưng một bức tranh đẹp thường phải có tác dụng làm cho người xem thấy một khoái cảm nào đó, nó tác động trực tiếp vào thị giác, tri giác, trực giác và thỏa mãn những hứng thú tinh thần của người xem. Cái đẹp là một thế giới ảo nhưng một bức tranh đẹp phải có khả năng đánh thức những gì còn ngủ yên trong tâm hồn và làm rung động lòng người, vì xem tranh cũng như nghe nhạc, ta cần cảm nhận hơn cần hiểu. Mặt khác, sáng tạo nghệ thuật luôn luôn là một hoạt động chủ quan của nghệ sĩ. Cái đẹp trong tác phẩm chỉ phản ánh những khái niệm đẹp của người làm ra nó. 
"Le laid peut être beau, le jolie... jamais" *
câu này là của Gauguin.

- Nhiều người cảm nhận được tính chất Việt Nam qua những tác phẩm của anh, vậy khi sáng tác, anh có chủ tâm thể hiện tính chất này hay không?
Tôi rất vui khi có ai đó cảm nhận được tính chất ấy, nhưng thú thật tôi không bận tâm mấy, cũng không chú trọng một cách đặc biệt. Nếu có tính chất Việt Nam thì tự nó sẽ hiện ra trong tranh vì tranh cũng là người. Có quan niệm cho rằng phải thể hiện tính chất VN bằng những hình ảnh đầy ắp tình tự quê hương như mẹ bồng con, mẹ nằm võng, áo dài, guốc mộc, chùa chiền đình miếu v.v... Cũng hay, nhưng tôi nghĩ tâm hồn người việt nam rất phong phú, rất đa dạng, đa tầng, đa chiều mà chúng ta cần phải khám phá, khai thác, nó nằm trong từng mạch máu của mỗi người chứ không chỉ ở những biểu tượng ước lệ kia. Tóm lại khi vẽ, tôi không cố tình áp đặt tính chất nào cả. Tranh của tôi chỉ là một sự gợi ý, người xem tranh có thể đến với tất cả hỉ nộ ái ố tham sân si cùng gốc rễ của họ. Tranh vẽ xong, nó không còn là của tôi nữa.


- Anh có dịp về Việt Nam chưa?
Tôi có về một vài lần, để thăm gia đình, bè bạn.

- Nhận xét chung của anh về hội họa Việt Nam như thế nào hiện nay?
Tôi thấy có nhiều họa sĩ tài hoa, kỹ thuật điêu luyện. nhưng có cảm tưởng họ ít tìm tòi cái mới. Có thể vì giao lưu văn hóa còn hạn hẹp, họ ít được ra nước ngoài và ảnh hưởng của nền kinh tế du lịch quá mạnh chăng? (đây chỉ là cảm tưởng qua một vài chuyến đi, do đó có thể không chính xác). Hiện nay ở Việt Nam, họa sĩ sống được, họ vẽ ra tiền (không phải chơi chữ đâu!) Họ sống khá giả hơn trước và tập họp thành những nhóm sáng tác ở khắp ba miền. Mâu thuẫn, đố kỵ nhau cũng nặng nề, nhiều khi chỉ vì ranh giới địa phận, chứ không phải thuần túy nghệ thuật! Nhưng nói chung, hội họa Việt Nam đang có một sức sống rất lớn, vì cái anh vẽ vời được tự do hơn cái anh viết lách. Tôi tin rằng, một vài năm nữa hội hạo Việt Nam đối với thế giới sẽ không là một câu chuyện ngoài lề. Muốn được như vậy, đội ngũ những nhà phê bình nghệ thuật phải mạnh mẽ hơn, người buôn tranh phải làm ăn quy củ hơn, không thật-giả vàng-thau lẫn lộn. Tác phẩm và tác quyền cần được bảo vệ tích cực hơn, nghĩa là dần dà chúng ta phải bắt kịp những tiêu chuẩn quốc tế về mọi phương diện.

- Anh thích tranh của họa sĩ Việt Nam nào nhất?
Những họa sĩ xưa và nay, trong và ngoài nước tôi thích cũng nhiều, mỗi người mỗi vẻ, phong cách bút pháp rất khác nhau. Cho tới nay, tôi vẫn chưa thấy ai vượt qua Nguyễn Phan Chánh với tranh lụa hay Nguyễn Gia Trí với sơn mài, hai vị này vẫn là những đỉnh cao về mặt kỹ thuật truyền thống. Riêng về sơn dầu có tranh của Võ Đình, Lê Bá Đảng, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Bửu chỉ, Nguyên Khai v.v... Tối mến cái tài và rất phục cái tâm cái trí cùng nỗ lực của họ đối với hội họa.

- Những họa sĩ khác trên thế giới?
Picabia, Wols, Pollock, Zao Wou Ki, Tapies v.v...

- Anh thích nhà văn nhà thơ Việt Nam nào nhất?
Hiện nay tôi thích cái chất nhân bản trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, cái chất khai phá thử nghiệm, cố gắng làm mới văn chương của Phạm Thị Hoài, cái chất nghịch ngợm tàn bạo và trí tưởng tượng phong phú của Trần Vũ. Cả ba đều độc đáo trong thể truyện ngắn và sẽ để lại dấu ấn trong văn học VN. Còn những tác phẩm chói sáng qua lăng kính chính trị một thời thì... một thời rồi thôi. Dĩ nhiên còn nhiều văn tài khác như Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh v.v... Riêng về thơ tôi vẫn thích Bùi Giáng, Xuân Diệu, Hoàng Cầm và đang tìm cái hay, cái mới lạ, cái chất "hậu hiện đại" ở những nhà thơ trẻ như Chân Phương, Trân Sa, Hoàng Hưng, Khế Iêm, Đỗ Kh.

- Anh có một loạt tranh mang tên "Fractus", anh có thể cho biết tại sao?
Đó là những bức tranh khổ nhỏ bằng hơn bàn tay, vẽ trên giấy những lúc có ít thời giờ, lâu ngày nhìn lại thấy cũng vui, vì chúng là những dấu tích trong một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống của mình, là những cảm xúc rơi rớt nên tôi đặt là "Fractus"(Mảnh vỡ). Nhiều người lầm tưởng là những phác thảo, những esquisse để vẽ lại tranh lớn nhưng không phải. Đấy là những bản chính và duy nhất. Lắm khi tôi yêu những bức tranh khổ nhỏ này hơn cả những tấm lớn hai ba thước.

- Anh đã triển lãm được bao nhiêu lần và có gặp những khó khăn, trở ngại nào?
Tôi bầy tranh rất ít, được vài lần cá nhân, tham dự các salon và triển lãm tập thể thì không nhớ bao nhiêu, còn trở ngại thì có nhiều. Hiện nay ở Pháp cũng như Châu Âu nói chung, nền kinh tế đang xuống dốc, nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng, tâm lý làm ăn rụt rè tính toán rất kỹ, cho nên các chủ galerie cũng ít dám mạo hiểm với nghệ sĩ. Là người buôn bán, họ chỉ bầy tranh khi nắm chắc lợi nhuận trong tay và ngay lập tức chứ không dám đầu tư lâu dài như xưa. Nhưng nếu có tiền anh vẫn có thể bày tranh bất cứ nơi nào và rồi ai xem ai mua? Mặt khác thị trường tranh ảnh ở Pháp rất bảo thủ so với Mỹ hay Nhật Bản. Paris sẻ không còn đóng vai trò tiên phong và ngã tư văn hóa của thế giớ mà là Tokyo hay New York. Nhưng cái khó nhất đối với một họa sĩ sáng tác vẫn là vẽ và tác phẩm, nó là một cuộc tình khó hiểu và đầy cạm bẫy, tốn công tốn của, biết thế nhưng nhiều người vẫn lao vào để "bỏ mạng" cho vui.

- Theo anh phải làm những gì để trở thành họa sĩ?
Phải vẽ thực lòng, phải dám sống chết với hội hạo, không chơi chơi mà chơi thật. Tôi nghĩ không ai "trở thành" nghệ sĩ... mà có "là" nghệ sĩ hay không từ khi lọt lòng mẹ. Nó là bản chất, bản năng trời cho của một con người, ta thường nói cái "máu nghệ sĩ" là vì vậy; và dĩ nhiên, với thời gian, qua học tập, tu luyện, khổ luyện anh mới phát huy được những khả năng trời cho ấy, có vậy thôi.

- Anh có muốn nói thêm điều gì về hội họa hay nghệ thuật nói chung?
Ở thời đại ngày nay, mọi người đều nhận thấy một điều: là nghệ thuật đang trên đà bị "quốc tế hóa". Liệu sẽ có nguy cơ làm giới hạn mọi trí tưởng tượng, nghèo nàn hóa mọi bộ óc sáng tạo, dẫn đến một nền hội họa đồng phục, đơn điệu, na ná như nhau hay không? Và rồi nghệ thuật sẽ đi về đâu? Sự lo âu này có cái lý của nó nhưng tôi nghĩ rằng: nghệ thuật chỉ hiện hữu khi thực sự có những bộ óc sáng tạo, dù ở bất cứ chân trời nào, và một người sáng tạo đích thực bao giờ cũng là một tài năng cá biệt, độc nhất khả dĩ thoát ra được những lề thói thông thường ở thời đại mình sống. Người nghệ sĩ dù muốn hay không, vẫn có một quê hương, gốc rễ cội nguồn, vẫn phải sống trong cõi đời này với tất cả hệ lụy của nó, với những trào lưu cũ mới, với những hoài nghi, thất vọng, mơ ước, sợ hãi của ngày hôm nay và những hy vọng của ngày mai. Hơn nữa, một trường phái hội họa, một trào lưu văn học chỉ là phương cách biểu hiện thực tại sống trong một không gian thời gian nhất định nhưng chắc chắn không ổn định, bất biến vì cuộc sống là sinh động, biến thái không ngừng. Mọi thể chế chính trị rồi cũng sẽ bị thay đổi, mọi nền văn minh đều có thể tiêu vong, mọi hình thái nghệ thuật rồi cũng sẽ suy tàn và sự hiện hữu của chúng ta hôm nay, cũng chỉ là một ánh chớp trong cõi vô cùng.... Nghệ thuật sẽ đi về đâu?... chả biết, chỉ biết còn con người thì còn sáng tạo, còn sáng tạo thì còn nghệ thuật... bài học duy nhất mà nghệ thuật cho tôi là bài học nhân ái.

- Xin cảm ơn họa sĩ Phan Nguyên.




* Tạm dịch: Cái xấu có thể đẹp, cái xinh xinh...(thì) không bao giờ (đẹp).
 
Huỳnh Hữu Ủy thực hiện (1994)
(Nhà phê bình nghệ thuật hiện sống tại Mỹ.) 

















Fractus 2000 vidéo