VÀI CẢM NHẬN TRÊN BỘ TRANH ESPACE 2000 CỦA PHAN NGUYÊN.
Tôi xem tranh của hoạ sĩ Phannguyên Psg trên trang facebook của ông.
Ông vẽ trừu tượng. Tranh của ông dẫn người xem vào
các không gian khác nhau, những không gian hỗn mang đang được lý trí phân chia sáng tối, phân chia trật tự và hỗn độn.
Cách biểu hiện trừu tượng như thế làm người xem thấy ngay tranh của ông không chỉ vẽ trừu tượng bằng cách nhắm mắt múa bút tuỳ rung động của trái tim truyền ra đôi tay, mà có biểu hiện dứt khoát của mảng nét, của tư duy trừu tượng từ trí tuệ, cho dù diện tích mặt tranh của ông đầy kín cảm xúc như buông thả hết cho ngẫu hứng.
Tranh của Phan Nguyên không dành cho những hưởng thụ hoà sắc vui nhộn tươi sáng như tiệc tùng của thị giác, không gợi sự hoan lạc của hoà sắc.
Ông không tuỳ tiện tung tẩy màu và hình. Ông suy tính kỹ lưỡng bố cục, đường nét, màu, hình thể, những quan hệ tương phản. Đặc biệt kỹ với tương phản sáng tối. Tuy suy tính kỹ lưỡng thế tranh của ông vẫn tràn ngập cảm nhận hỗn mang, đưa người xem tranh vào trạng thái cùng tác giả đi tìm cái rốt ráo quan trọng nào đó tuỳ tâm tưởng.
Tôi đã xem đi xem lại những tác phẩm của ông, lần nào cũng gặp gỡ cảm nhận như ông đang “đi tìm/ đang tìm” điều cốt lõi nào đó của cuộc sống. Tôi cảm thụ thấy sự “ đi tìm” trong tác phẩm của của ông toả ra rất mạnh từ nội tâm sung mãn.
Sung mãn tới mức cái đẹp ở tranh của ông như không còn quan tâm tới sự ngọt ngào như kiểu tranh lụa. Những bố cục tương phản sáng tối cực mạnh có ranh giới là đường thẳng cực đoan, đã gây cảm giác về vẻ đẹp như “phê thuốc” của riêng ông.
Tác giả đã ngừng vẽ, tranh đã đóng khung để đó trong tĩnh lặng, nhưng cảm xúc “đang tìm” của Phan Nguyên luôn toát ra từ hội hoạ của ông như muốn nói : “Tôi không mời bạn tham dự bữa tiệc thị giác, tôi mời bạn cùng tôi đi tìm cuộc sống cần cái gì ở nghệ thuật hội hoạ.“
Phan Nguyên không phải hoạ sĩ duy sắc và cũng không duy hình. Tranh của ông thuần tuý vì cảm xúc của ông. Như tôi đã từng viết : “Không có tranh , không có tượng. Mà chỉ có cảm xúc của nghệ sĩ toát ra tương tác với người xem”. Hầu hết tác phẩm của ông đều thể hiện nội lực mạnh mà trầm bởi cách sử dụng hiệu quả tương phản của ánh sáng.
Phan Nguyên vẽ như thế và ông sống cũng tình cảm nội lực như thế. Khi ông còn định cư ở Pháp, khá đông văn nghệ sĩ hai miền khi qua Paris đều được ông mời về tư gia tiếp đãi vui ân cần thân ái.
Trên đã nói Phan Nguyên không duy sắc. Tranh ông nhiều mảng lớn đơn sắc vần vũ với ánh sáng tạo cảm thụ mông lung sâu rộng.
Và như thế ông là một hoạ sĩ “trừu tượng duy cảm với không gian vũ trụ”
Trong cái đẹp hỗn mang rất xa xôi đó có nhiều bức như khoảnh khắc khởi thuỷ của tối và sáng đang tách ra khỏi nhau. Như phút giây đầu tiên của ngày và đêm.
Những mép biên mảng sáng tối thẳng tắp trên tranh phân chia gần xa, nóng lạnh. Trong những mảng tranh như mây khói vẫn cho thấy ngay ở đó những nét kỷ hà không thuộc về tự nhiên, mà là trí tuệ bố cục phân vùng rạch ròi thể hiện ý chí chủ quan.
Đó là những hình tròn quay com pa, hình vuông, đường kỷ hà, góc 90 độ của hình học, là tư duy trừu tượng của não bộ con người.
Có thể ví tranh trừu tượng có chỗ giống âm nhạc không lời. Đó là tinh cảm và lý trí luôn quan tâm đồng thời khi sáng tác . Nhưng khác ở chỗ âm nhạc được cảm thụ theo thời gian, nên tưởng tượng của người nghe có phần phụ thuộc vào giai điệu.
Hội hoạ được cảm thụ bằng cái nhìn chụp tổng thể. Tức khắc trong một cái nhìn thấy tất cả. Nên cái nhìn không lệ thuộc thời gian và giai điệu như thế có sức tưởng tượng chủ động khôn lường ngay từ đầu.
Vì thế mà mỗi cá nhân thưởng ngoạn hoạ phẩm trừu tượng có thể tưởng tưởng theo cảm thụ riêng, không ai giống ai.
Khối lượng tác phẩm đã sáng tác của ông cộng dồn từ khi tóc còn xanh tới bây giờ cũng khá nhiều. Khoảng 400 bức với nhiều thể loại, có cả đắp nổi và khắc sâu. Ông cũng vẽ theo những tệp những nhóm cảm hứng khác nhau. Ví dụ như bộ tranh “Bốn mùa” hay bộ tranh “Espace 2000”
Ông nói với tôi, mỗi bộ tranh có thể vẽ tới hàng chục bức…
Tôi cũng mới quen biết ông từ sau đợt thành phố HCM ngưng phong toả covid . Tôi ngạc nhiên khi thấy ông giao lưu với rất đông văn nghệ sĩ từ trẻ tuổi đến cao tuổi khắp hai miền Nam Bắc ở cả hai chế độ trước và sau 1975.
Tôi đã gặp ông đúng vào thời điểm ông “buông kiếm”, không còn vẽ gì nữa. Và ông đã nói: “Tôi đã ngừng bán tranh từ hai mươi năm nay.
Hong Hoang
Vung Tầu 22/4/2024